Dàn bài và các bài văn mẫu thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh là một trong những đề văn được nhiều trường sử dụng để giảng dạy cho các bạn học sinh. Vậy làm thế nào để các bạn có thể nắm được dàn ý cũng như các cách để viết được những bài văn hay? Hãy cùng Studytienganh tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

 

1. Dàn ý thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Mở bài:

  • Giới thiệu về nơi mà bạn muốn thuyết minh

  • Cảm nghĩ chung của bạn về danh lam thắng cảnh đó

 

Thân bài:

  • Giới thiệu tổng quan về danh lam thắng cảnh: vị trí, diện tích, khung cảnh xung quanh, cách để đi đến đó,...

  • Lịch sử hình thành 

  • Giới thiệu khung cảnh từ ngoài vào trong, từ nhìn xa đến nhìn gần,...

  • Ý nghĩa lịch sử và câu chuyện mà danh lam thắng cảnh đó mang đến

 

Kết bài:

  • Khẳng định lại giá trị và ý nghĩa của danh lam thắng cảnh

  • Nêu cảm nghĩ và tình cảm của bản thân đối với nơi đó

 

thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Dàn ý mẫu văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

 

2. Mẫu văn thuyết minh hay

Vịnh Hạ Long là một trong những danh lam thắng cảnh ở Việt Nam mà hầu như ai cũng đã từng nghe qua và biết đến. Đây là một nơi vô cùng đẹp được tạo nên từ thiên nhiên, chính vì vẻ đẹp đó mà nó đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

 

Vịnh Hạ Long nằm tại tỉnh Quảng Ninh, là một vịnh nhỏ nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam. Với diện tích khoảng 1.553km2 cùng với 1.969 hòn đảo đã giúp cho nơi đây trở thành một kiệt tác nghệ thuật mà ai cũng phải muốn đến để chiêm ngưỡng. Đến với Vịnh Hạ Long, mọi người sẽ được thăm quan những khung cảnh núi, nước, hang động được tạo hóa từ thiên nhiên vô cùng hoang sơ và hùng vĩ. Nước biển trong xanh, mang vị mặn của muối, những ngọn núi “khổng lồ” hùng vĩ, những hang động nhũ đá đẹp không thể diễn tả bằng lời. Tất cả những thứ đó đã tạo nên một Vịnh Hạ Long trong lòng mọi người.

 

Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, con người nơi đây cũng là một vẻ đẹp cao quý. Ngoài là những người dân mến khách, họ còn là những hướng dẫn viên du lịch đầy kinh nghiệm, chỉ dẫn cho mọi khách du lịch những địa điểm, món ăn để họ có thể tham quan, thưởng thức. Tình cảm con người nơi đây cũng là một ấn tượng khó phai làm nên được những điều đẹp đẽ của Vịnh Hạ Long. 

 

Vịnh Hạ Long thật sự rất xứng đáng với danh hiệu một trong bảy kỳ quan của thế giới khi có những vẻ đẹp thiên nhiên không nơi nào có được, có những vẻ đẹp của những người dân nơi đây còn đáng quý hơn biết bao nhiêu. Và nếu bạn chưa từng đến đây, thì hãy thử một lần ghé thăm Vịnh Hạ Long vì chắc chắn nó sẽ không làm bạn thất vọng. 

 

thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Bài văn thuyết minh hay đáng để học hỏi

 

3. Bài văn thuyết minh đáng để học hỏi

Hồ Hoàn Kiếm là một trong những địa danh không thể không kể đến khi đặt chân đến với Hà Nội. Tọa lạc ở trung tâm quận Hoàn Kiếm - Hà nội, Hồ Hoàn Kiếm còn được biết tới một cái tên khác là Hồ Gươm. 

 

Hồ Gươm được gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả kiếm lại cho Rùa vàng sau khi đã dẹp loạn được quân Minh xâm lược (thế kỉ XV). Rùa được coi là một trong bốn con vật linh thiêng theo quan niệm dân gian ngày xưa. Hồ Gươm có hai đảo nổi: đảo lớn có tên là đảo Ngọc nằm ở phía bắc hồ, có cầu Thê Húc uốn cong nối ra đảo; đảo Rùa nhỏ nằm ở phía nam hồ, nằm giữa dòng nước mênh mông. 

 

Hồ Gươm luôn được nhận ưu ái bởi sự ghé thăm của du khách trong cả bốn mùa của năm. Mùa Xuân rực rỡ với lễ hội với hoa anh đào nở rộ, mùa Hạ với những cơn gió lồng lộng cùng tiếng ve râm ran, mùa Thu với màn sương huyền ảo và mùa đông với những chiếc lá vàng rụng nhẹ nhàng cùng cái rét và những giọt mưa phùn lất phất bay. 

 

Hồ Gươm là một trong những địa danh gắn liền với lịch sử hòa bình của nước ta. Cho đến hiện tại và tương lai sau này, Hồ Gươm vẫn sẽ mãi là cái tên là người dân Việt Nam tự hào khi giới thiệu tới những du khách nước ngoài.

 

thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Mẫu văn thuyết minh đáng để đọc qua một lần

 

4. Bài văn thuyết minh danh lam thắng cảnh chi tiết

Hằng năm, cứ đến mùa thi, nhiều sĩ tử miền Bắc luôn hướng về Văn miếu Quốc Tử Giám để cầu mong may mắn, rồi cũng có rất nhiều những cử nhân lựa chọn địa điểm này để lưu lại những bức ảnh kỷ yếu của một thời sinh viên đẹp đẽ. Tại sao nơi này lại thường gắn với những hoạt động học tập như thế? Đó là bởi vì đây là một nơi giàu truyền thống văn hóa, khoa cử.

 

Văn miếu Quốc Tử Giám được biết đến là một địa danh tọa lạc tại thủ đô Hà Nội, được coi như biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục dân tộc, của truyền thống tôn sư trọng đạo.

 

Văn Miếu, theo Đại Việt sử ký toàn thư, được xây dựng năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông, thờ các bậc tiên thánh, tiên sư của đạo Nho. Đồng thời, đây cũng là một trường học hoàng gia. Năm 1253, Trần Thái Tông mở rộng Quốc Tử Giám, thu nhận cả những học sinh là con nhà thường dân có học lực xuất sắc.

 

Khu Văn miếu tọa trên khu đất hình chữ nhật với tổng diện tích là 54000 m2, bao quanh bởi khu tường gạch vồ cỡ lớn tạo không gian cổ kính trang nghiêm. Bước vào bên trong, những mái kiến trúc cổ ẩn hiện trong cành lá sum suê tạo sự thu hút đặc biệt với du khách. 

 

Trong Văn Miếu có một hồ Văn, đây là nơi diễn ra các cuộc bình thơ. Khu nội tự được chia thành 5 khu vực. Khu vực một từ Văn miếu môn đến Đại trung môn. Để vào Văn miếu môn phải đi qua bốn thần trụ, bước qua ba cửa cuốn vòng là vào Văn miếu môn. 

 

Theo con đường thẳng tắp từ Văn miếu môn đi vào chính là Đại trung môn gồm ba gian dựng bằng gạch. Con đường lát gạch sẽ tiếp tục đưa du khách đến Khuê Văn Các, là lầu vuông gồm hai tầng tám mái. Đây là biểu tượng của văn hóa văn học Việt Nam. Qua Khuê Văn Các đến giếng Thiên Quang, hình vuông, quanh năm mặt nước bằng phẳng, con đường lát gạch quanh giếng Thiên Quang dẫn du khách đến nhà bia tiến sĩ, gồm 82 tấm bia đá khắc các bài thi văn, bia đặt trên lưng rùa biểu hiện tinh hoa dân tộc.

 

Qua nhà bia Tiến sĩ sẽ đến khoảng sân rộng được lát gạch Bát Tràng. Khu vực cuối cùng là nhà Thái học, xưa là nơi đào tạo nhân tài. Văn miếu là nơi tôn vinh nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An và các vị vua có công xây dựng.

 

Với giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, Văn Miếu Quốc Tử giám còn là nơi được lựa chọn để tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề, là nơi vinh danh các thủ khoa xuất sắc. Tháng 5 – 2012, Văn Miếu được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia. Đây cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch muốn tìm hiểu văn hóa lịch sử Việt Nam, là nơi các sĩ tử đến xin chữ cầu may mắn, là nơi được chọn để chụp các bức ảnh kỷ yếu của học sinh, sinh viên,…

 

Bởi đây là di tích đặc biệt cấp quốc gia nên cần lưu ý một số điều cơ bản: Không xả rác bừa bãi, không giẫm chân lên thảm đỏ và không xoa đầu các cụ rùa, ăn mặc trang nghiêm, thái độ thành tâm, thành kính,..

 

Dù bước thăng trầm của thời gian có thế nào đi nữa, Văn miếu – Quốc Tử Giám vẫn sẽ là một di tích mang dấu ấn của một quốc gia giàu truyền thống khoa cử và trở thành biểu tượng đẹp của thủ đô Hà Nội.

 

5. Lời kết

Trên đây là những chia sẻ của Studytienganh về các lập dàn ý cũng như các bài văn mẫu thuyết minh về danh lam thắng cảnh hay mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Thông qua bài viết trên, hy vọng các bạn học sinh sẽ học thêm được nhiều từ mới, cách viết mới để có thể đạt được điểm cao trong môn văn này.




HỌC TIẾNG ANH QUA 5000 PHIM SONG NGỮ


Khám phá ngay !